Theo các nghiên cứu tỷ lệ nghiện game toàn cầu là 8,5% đối với nam, 3,5% đối với nữ. châu Á cho thấy tỷ lệ cao nhất (6,3%), Bắc Mỹ (3,6%), châu Đại Dương (3,0%) và châu Âu (2,7%). Trẻ em và nhóm tuổi vị thành niên có tỷ lệ cao nhất (6,6%).
Vào năm 2018, nghiện game được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) xếp vào dạng rối loạn tâm thần. WHO đã thống nhất coi nghiện game là một bệnh lý chính thức được đưa danh sách phân loại bệnh (ICD) phiên bản lần thứ 11. Phiên bản ICD cập nhật đã chính thức có hiệu lực vào tháng 01/2022.
Nghiên cứu tại Viện Sức khỏe tâm thần quốc gia năm 2021 trên lứa tuổi 10 - 24 cho thấy, số người có thời gian sử dụng internet trung bình trên 3 giờ/ngày chiếm tỷ lệ cao (trên 51,3%), trong đó, thời gian nhiều nhất lên đến 15 giờ/ngày. Công cụ để sử dụng internet nhiều nhất là thiết bị di động chiếm 98,2%. Nội dung được lựa chọn sử dụng nhiều nhất là mạng xã hội (51,37%), trò chơi điện tử trực tuyến (26,6%), xem video trực tuyến (14,68%).
Ảnh minh hoạ
Nghiện game được xem là dạng rối loạn tâm thần. Vậy thế nào được xem là nghiện chơi game?
Theo định nghĩa mới nhất trong bản sửa đổi lần thứ 11 của Phân loại thống kê quốc tế về bệnh tật (ICD-11), nghiện game là hành vi chơi game (bao gồm cả game online và game offline) với các biểu hiện:
- Mất kiểm soát đối với việc chơi game
- Xem game quan trọng hơn tất cả mọi thứ trong cuộc sống bao gồm các sở thích khác và sinh hoạt hàng ngày.
- Chơi game liên tục không ngừng và thời gian chơi ngày càng nhiều, ngay cả khi đã có những hậu quả tiêu cực xảy ra.
Một người được chẩn đoán là “nghiện chơi game” khi việc chơi game ảnh hưởng nghiêm trọng đến cá nhân, gia đình, xã hội, công việc, học tập hoặc các lĩnh vực quan trọng khác... và tình trạng này kéo dài từ 1 năm trở lên.
Vậy nguyên nhân nào dẫn đến nghiện game
Một số nguyên nhân có thể giải thích cho tình trạng nghiện game như:
- Khi chơi game, não bộ sẽ sản sinh ra các morphine nội sinh và hormone endorphin, làm cho bản thân người chơi game cảm thấy thích thú, hấp dẫn.
- Do nhu cầu muốn được làm chủ bản thân, nhất là trong bối cảnh bản thân bị gia đình gò bó, áp đặt, không được trình bày nguyện vọng,..
- Những xung đột xuất hiện trong tâm lý của tuổi dậy thì như trẻ không nhận được sự ủng hộ, chia sẽ của gia đình, cảm thấy lạc lõng, thiếu sự yêu thương.
- Thiếu không gian lành mạnh khiến trẻ em không có môi trường vui chơi giải trí lành mạnh, không có khoảng thời gian được chơi đùa, quan tâm và không có người bên cạnh để đồng hành từ đó tăng thời gian tiếp xúc với game.
Từ các nguyên nhân kể trên có thể cho thấy các đối tượng có nguy cơ nghiện game thường là:
- Những trẻ có tính cách rụt rè, thụ động hay lo lắng, tự ti, ít tham gia vào những hoạt động cộng đồng.
- Những trẻ không được gia đình, nhà trường, xã hội quan tâm, chăm sóc, tạo điều kiện phát triển, bị bạn bè xa lánh.
- Những trẻ có hoàn cảnh gia đình không hạnh phúc, có sang chấn về mặt tâm lý, bị tổn thương về mặt tình cảm.
Triệu chứng của nghiện game là gì ?
Những người nghiện game thường có hai nhóm triệu chứng chính là triệu chứng giống nghiện ma túy và triệu chứng trầm cảm.
- Triệu chứng giống nghiện ma túy
Nếu có từ hai triệu chứng trở lên thì đã được xem là mắc bệnh nghiện game:
- Thèm chơi game: quan tâm quá mức đến game online, luôn trò chuyện về game.
- Chơi game liên tục và không có thời gian nghỉ.
- Không kiểm soát được việc chơi game và thời gian chơi của mình.
- Không quan tâm, hứng thú đến những lĩnh vực khác, bỏ bê học tập, công việc để chơi game.
- Che dấu cảm xúc: khi có một cảm xúc khó chịu hoặc tình huống không hay, người nghiện game thường chơi game để che dấu đi những cảm xúc này.
- Nói dối về thời gian chơi game: người nghiện game thường có xu hướng nói dối gia đình về thời gian chơi game ít hơn so với thực tế.
- Tiêu tốn nhiều tiền cho việc chơi game
Cảm xúc bất ổn: khi chơi game, người nghiện game sẽ có trạng thái kích thích, hưng phấn và cũng có thể thất vọng. Cảm xúc này có thể vẫn tồn tại sau khi chơi.
Ảnh minh hoạ
- Triệu chứng trầm cảm
- Khí sắc trầm cảm: nét mặt đơn điệu, ngơ ngác, buồn bã.
- Mất quan tâm, hứng thú với các sở thích, lĩnh vực yêu thích trước đây.
- Mệt mỏi, giảm các hoạt động khác.
- Rối loạn giấc ngủ: thường xuyên mất ngủ vì thức cả đêm chơi game.
- Ăn ít ngon miệng: ăn qua bữa, không có cảm giác thèm ăn nên ăn rất ít.
- Bi quan về tương lai: cho rằng game là lối thoát duy nhất cho tương lai của họ.
- Rối loạn tâm thần vận động: hoạt động chậm chạp, lờ đờ khi tiếp xúc với thực tế.
- Cảm giác vô dụng, tội lỗi: họ có nhận ra việc chơi game là tội lỗi nhưng không thể ngừng lại việc này mà lại vẫn phải tiếp tục chơi để chạy trốn cảm giác tội lỗi đó.
- Khó tập trung, suy nghĩ và quyết định, giảm chú ý với những việc xung quanh.
- Có thể có ý định tự tử
Các phương pháp điều trị Nghiện game
Để điều trị nghiện game, cần thực hiện những điều sau:
- Ngừng việc chơi game mỗi ngày.
- Cắt cơn nghiện game bằng việc sử dụng thuốc an thần kinh thế hệ mới và thuốc chống trầm cảm: nhóm SSRI hoặc chống trầm cảm ba vòng.
- Điều trị chống tái nghiện: duy trì bằng thuốc an thần và chống trầm cảm kết hợp với các liệu pháp tâm lý xã hội.
Các liệu pháp tâm lý xã hội bao gồm:
- Không sử dụng internet, tránh tối đa các cơ hội để người bệnh tiếp xúc với game.
- Tăng thời gian tham gia các hoạt động thể chất, văn hóa, các hoạt động tập thể lành mạnh như đi bộ, đạp xe, chơi các môn thể thao.
- Có thể đi tham quan, du lịch hoặc tham gia vào các hoạt động xã hội, hoạt động thiện nguyện để tăng tương tác với mọi người xung quanh, nhằm giảm thời gian tiếp xúc với game và quên đi cảm giác thèm muốn chơi game
Các liệu pháp tâm lý
- Người nghiện game nên tham gia vào các liệu pháp tâm lý nhận thức, hành vi và liệu pháp nhóm để trao đổi thông tin về cách vượt qua sự nghiện game.
- Ngoài ra, yếu tố gia đình và xã hội cũng đóng một vai trò rất quan trọng trong việc duy trì cai nghiện game. Mọi người cần quan tâm đến trẻ em hơn cũng như khi gia đình quan sát thấy trẻ có dấu hiệu nghiện game cần đưa đến những cơ sở y tế về bệnh tâm thần để kịp thời chẩn đoán và chữa trị.
Cách phòng ngừa nghiện game
Để ngăn ngừa bệnh nghiện game, trẻ em cần sự hỗ trợ rất lớn từ gia đình và xã hội:
- Gia đình và thầy cô nên thường xuyên trò chuyện, tâm sự cùng trẻ, ắng nghe và thấu hiểu trẻ nhiều hơn, làm cho trẻ cảm thấy thoải mái, bớt cô đơn và hạn chế tối đa tình trạng sa đà vào các thói quen xấu, nhất là nghiện game.
- Cho trẻ tham gia những hoạt động lành mạnh, những hoạt động xã hội bổ ích.
- Theo dõi thời gian biểu của trẻ để kịp thời phát hiện những dấu hiệu của bệnh nghiện game. Không để trẻ tiếp xúc với những môi trường dễ nghiện game
- Phụ huynh nên cùng trẻ xây dựng mục tiêu học tập phù hợp và đúng thế mạnh, ước mơ của trẻ để trẻ có động lực học tập tốt hơn, chủ động trong việc học. Từ đó giúp cho trẻ hạn chế chơi game để sao nhãng việc học.