1. Phương pháp âm ngữ trị liệu cho trẻ chậm nói là gì?
Có rất nhiều nguyên nhân khiến trẻ chậm nói hơn so với cột mốc phát triển chung của lứa tuổi, bao gồm liên quan đến cả bệnh lý hay các yếu tố tác động từ bên ngoài. Chẳng hạn chậm nói do thiếu sự tương tác trực tiếp ( cha mẹ bỏ bê, không nói chuyện với con hoặc trẻ lạm dụng các thiết bị vô tuyến quá mức; chậm nói do các tổn thương thực thể ( khiếm thính, nhiễm trùng tai, dính thắng lưỡi hay các vấn đề ở cơ quan phát âm); các dạng rối loạn phát triển ( tự kỷ, thiểu năng trí tuệ; bại não..)
Với bất cứ nguyên nhân nào thì chậm nói cũng làm cản trở rất nhiều đến quá trình phát triển chung của con. Tuy nhiên hiện tại không có bất cứ loại thuốc nào có thể cải thiện tình trạng này. Âm ngữ trị liệu (Speech – Language Therapy) mới là phương pháp được hướng tới chung cho tất cả tình trạng trẻ kém phát triển về lời nói, giao tiếp.
Hiểu đơn giản nhất, phương pháp âm ngữ trị liệu là các biện pháp giúp trẻ học các phát âm, cách nói chuyện phù hợp, tăng cường ngôn ngữ từ đó phát triển các kỹ năng cần thiết cho trẻ. Đây là một chuyên ngành phục hồi chức năng, có nhiệm vụ giải quyết các tình trạng thiếu hụt về ngôn ngữ hay các bệnh lý liên quan như nói lắp, nói ngọng, thất ngôn …
Phương pháp âm ngữ trị liệu thường hướng tới các kỹ năng giao tiếp tổng thể, có nghĩa là trẻ không chỉ có thể phát âm rành mạnh, chính xác, hiểu người khác nói gì, diễn đạt thành công nhu cầu mà còn chủ động hơn trong giao tiếp, tương tác đáp trả lại. Điều này rất cần thiết cho trẻ trong quá trình hòa nhập, hình thành các mối quan hệ, đặc biệt khi trẻ đã đến tuổi đến trường.
Âm ngữ trị liệu có thể giải quyết các vấn đề sau:
- Phát âm: trẻ bị chậm nói, phát âm không rõ ràng, gặp nhiều lỗi khiến người khác nghe không hiểu ý con muốn nói gì
- Độ trôi chảy: chẳng hạn như nói lắp, kém trôi chảy
- Độ vang của giọng nói: tông giọng hay độ cam của âm thanh trẻ phát ra không phù hợp, nghe khó chịu
- Hoạt động cơ miệng: cải thiện tình trạng chậm nói do gặp chảy nhiều nước dãi hay gặp khó khăn khi ăn, nuốt ở một số trẻ.
Ảnh minh hoạ
2. Mục tiêu của phương pháp âm ngữ trị liệu
Thống kê cho thấy có đến 70% trẻ dưới 6 tuổi bị chậm nói hay gặp các vấn đề về ngôn ngữ đã có những cải thiện tích cực sau khi tham gia các liệu trình trị liệu về ngôn ngữ. Tùy nguyên nhân mà trẻ chậm nói gặp phải, các liệu pháp trị liệu này sẽ đề xuất phương án phù hợp để kiểm soát vấn đề song song song với tăng cường lời nói hay giao tiếp.
Cụ thể, các mục tiêu chính mà các phương pháp âm ngữ trị liệu hướng tới bao gồm:
- Giúp trẻ có thể diễn đạt, thể hiện các nhu cầu cá nhân bằng ngôn ngữ hay phi ngôn ngữ.
- Tăng cường khả năng giao tiếp lưu loát đúng với lứa tuổi hoặc ít nhất là có thể sử dụng/ hiểu ngôn ngữ cơ bản, cần thiết trong cuộc sống hằng ngày.
- Tiếp thu ngôn ngữ hiệu quả để tạo thành tiền đề trong quá trình phát triển năng lực nhận thức, tư duy ngay từ những năm tháng đầu đời.
- Hiểu và thực hiện được yêu cầu từ những người xung quanh.
- Tạo cơ hội để trẻ tham gia các hoạt động vui chơi, nâng cao đời sống tinh thần.
- Phương pháp âm ngữ trị liệu giúp trẻ cải thiện kỹ năng giao tiếp, thiết lập các mối quan hệ, đồng thời giúp trẻ hòa nhập dễ dàng với các hoạt động xã hội khác, đặc biệt khi trẻ đến tuổi đến trường.
- Tạo điều kiện để trẻ được tham gia vào môi trường học tập phù hợp, tạo tiền đề để tìm kiếm công việc hay phát triển năng lực cá nhân ở tương lai
- Khả năng nhận thức và tự điều chỉnh lời nói, hành vi của bản thân
- Tăng cường chất lượng đời sống ở cả thời điểm hiện tại và tương lai
3. Nguyên tắc của âm ngữ trị liệu
Giáo dục và phát triển ngôn ngữ, lời nói cho trẻ chậm nói không phải là một hành trình đơn giản mà rất phức tạp. Bởi trẻ chậm nói thường đi kèm tình trạng kém tập trung, không chú ý đến những người xung quanh. Trị liệu nếu không đúng cách, đúng phương pháp sẽ rất khó có hiệu quả. Đặc biệt với các nhóm trẻ như tự kỷ nếu để lỡ mất thời “thời gian vàng” thì việc can thiệp sẽ rất khó khăn.
Một số nguyên tắc của phương pháp âm ngữ trị liệu cho trẻ chậm nói cần đảm bảo đạt được bao gồm:
- Đảm bảo tính cá nhân, tôn trọng sự khác biệt của trẻ chậm nói, tuyệt đối không có sự so sánh con trong bất cứ trường hợp nào.
- Xây dựng lộ trình trị liệu dựa trên nền tảng năng lực ban đầu của con, bao gồm các khía cạnh về ngôn ngữ, trí tuệ, độ tuổi để trẻ tiếp thu phù hợp. Tình trạng của mỗi trẻ chậm nói là khác nhau nên nếu thực hiện các lộ trình can thiệp chung có thể dẫn tới tình trạng trẻ này phát triển tốt nhưng những trẻ khác lại bị thụt lùi.
- Các phương pháp trị liệu ngôn ngữ cần được thực hiện một cách linh hoạt, điều chỉnh dựa trên sự thích ứng của trẻ. Có những trẻ có thể tiếp thu nhanh nhưng cũng có những trường hợp thích ứng chậm hơn nền nếu quá cứng nhắc đi theo lộ trình ban đầu sẽ không thể nào có hiệu quả tốt.
- Xây dựng, thiết lập các tình huống để trẻ có thể chủ động sử dụng ngôn ngữ, phát huy những gì được học trong thực tế thay vì chỉ gói gọn trong khuôn khổ nhà trường, giữa trẻ với cha mẹ hay với các thầy cô giáo.
- Xây dựng kỹ năng giao tiếp và sử dụng ngôn ngữ phù hợp với độ tuổi và có ý nghĩa với trẻ và gia đình.
- Các phương pháp trị liệu ngôn ngữ cần được thực hiện thường xuyên, hằng ngày, kiên trì theo đúng kế hoạch. Việc thay đổi các phương pháp đột ngột hay dừng trị liệu có thể khiến kết quả quá trình trước đó trở thành con số 0 và rất tốn thời gian của cả trẻ và chuyên gia.
4. Các chiến lược của phương pháp âm ngữ trị liệu
Phương pháp âm ngữ trị liệu được thực hiện bởi các chuyên gia trị liệu hay bác sĩ có chuyên môn về chậm nói, thường là theo hình thức 1:1, đặc biệt ở giai đoạn đầu để đảm bảo phù hợp với tình trạng của từng trẻ, giúp con có thể tiếp thu tốt nhất. Quá trình thực hiện các liệu pháp này được điều chỉnh linh hoạt, có lộ trình rõ ràng để đảm bảo tính hiệu quả.
Hai phương pháp chính trong âm ngữ trị liệu được chỉ định cho trẻ chậm nói bao gồm
- Liệu pháp PROMPT-Tái cấu trúc cơ miệng: thường được chỉ định cho trẻ chậm nói có liên quan đến các nguyên nhân như rối loạn Apraxia, tự kỷ, bại não hay trẻ có những khó khăn khi thực hiện phối hợp các hoạt động của cơ quan phát âm như môi, hàm lưỡi. Phương pháp này sẽ hướng dẫn cách trẻ cách kiểm soát, điều chỉnh các cơ quan tạo ra thanh cũng như cảm nhận được vị trí của lưỡi, môi, miệng khi phát ra tiếng.. Phương pháp âm ngữ trị liệu này được đánh giá mang đến rất nhiều tiên lượng tích cực cho trẻ chậm nói.
- Phương pháp tăng và thay thế phương tiện giao tiếp (Augmentative and Alternative Communication – AAC): dùng cho những trẻ gặp khó khăn trong giao tiếp, không nói được hay diễn tả một cách khó hiểu để trẻ học cách diễn đạt nhu cầu của bản thân hoặc hiểu người khác muốn nói gì. ACC thường cần đến các công cụ trực quan, bao gồm hình ảnh, đồ chơi, âm nhạc nên thường được kết hợp đồng thời với PECS (Pictures Exchange Communication System). Phương pháp âm ngữ trị liệu cũng có thể được thực hiện bằng cử chỉ, lời nói, ngôn ngữ hình thể, tùy tình trạng của từng trẻ.
5. Quá trình thực hiện phương pháp âm ngữ trị liệu
Phương pháp âm ngữ trị liệu cho trẻ cần được xây dựng kế hoạch, lộ trình rõ ràng dựa trên chính nền tảng ban đầu của con để đảm bảo hiệu quả. Nhà trị liệu hay người hướng dẫn cần phải hiểu được quá trình này để thực hiện một cách trơn tru, nhuần nhuyễn, linh hoạt biến đổi cho phù hợp với từng trường hợp.
- Làm mẫu: người hướng dẫn cần làm mẫu mọi hoạt động, từ việc phát âm, cử chỉ, biểu cảm để trẻ có thể bắt chước theo. Ở những giai đoạn đầu và cả giai đoạn sau đây đều là các biện pháp cần thiết để trẻ có thể bắt đầu học nói, học giao tiếp trước khi tiến đến các giai đoạn phức tạp hơn. Theo đó, nhà trị liệu sẽ cùng chơi và trò chuyện với trẻ; đọc và làm mẫu về từ vựng, ngữ pháp để trẻ đọc theo. Các bài tập này sẽ được thực hiện lặp lại nhiều lần để trẻ có thể ghi nhớ chính xác nhất, tăng cường vốn từ cần thiết.
- Gợi ý: ở một số nhóm trẻ như tự kỷ, con hầu như không tập trung và rất kém trong việc bắt chước nên cần làm thế nào để con chú ý và làm theo cũng là một điều rất quan trọng. Cần gợi ý để trẻ có thể tập trung và thực hiện các chỉ dẫn cụ thể theo hướng dẫn từ chuyên gia, bác sĩ.
- Đáp ứng: các phương pháp âm ngữ trị đều hướng tới mục tiêu cần đáp ứng chính là trẻ có thể chủ động giao tiếp, nói đúng tình huống, sử dụng ngôn ngữ phù hợp với từng hoàn cảnh.
Để quá trình thực hiện các phương pháp âm ngữ trị liệu cho trẻ chậm nói này có hiệu quả, nhà trị liệu cần thực hành những biện pháp sau:
- Trò chuyện và cho trẻ em sách tranh, ảnh minh họa rõ nét, có liên quan đến chủ đề cần học
- Mô tả chi tiết về cách tạo âm thanh, cách đặt lưỡi hay môi mỗi khi cần phát âm các âm tiết nào. Nhà trị liệu sử dụng các phương pháp trị liệu khớp để mô tả chính xác cách tạo ra âm thanh, âm tiết trong từng từ. Việc cùng chơi các trò chơi, chẳng hạn như bắt chước tiếng động vật kêu cũng có thể hỗ trợ quá trình này đạt kết quả
- Thực hiện các biện pháp massage cho mặt hay các bài tập lưỡi, môi và hàm để hỗ trợ các hoạt động của cơ miệng như ăn, uống và nuốt, nhờ đó giúp con kết hợp các cơ quan này chính xác, nhuần nhuyễn hơn, rất cần thiết để phát âm chính xác, rõ ràng.Nhà trị liệu cũng cần cung cấp các bài tập âm ngữ trị liệu tại nhà để đảm bảo phương pháp được thực hành liên tục và mang lại hiệu quả khả quan hơn. Cha mẹ sẽ được cung cấp đầy đủ các biện pháp trong quá trình hỗ trợ trẻ tại nhà để đảm bảo đúng cách.