Khoảng vài năm trở lại đây, một bộ phận giới trẻ rộ lên thú tiêu khiển “bóng cười” tại các quán bar, karaoke nhưng lại rất mù mờ về tác hại của nó. Các bạn trẻ chỉ nghĩ đây là thú chơi giúp giảm stress, đưa lại những trận cười sảng khoái, vui vẻ và hứng thú cho người sử dụng. Dù bóng cười không bị liệt vào hàng ma túy nhưng là hóa chất bị sử dụng sai mục đích, lạm dụng có thể dẫn đến cảm giác thích dùng, dùng nhiều, dùng tăng liều tương tự như nghiện. Nguy cơ gây hại của “bóng cười” khá là đáng sợ, nhưng rất ít người biết được điều này…
“Bóng cười” là gì?
“Bóng cười”, còn gọi là “funky ball”, thực chất là quả bóng bay được bơm khí Nitrous oxide (N2O) thông qua một dụng cụ bơm. Chất khí N2O khiến người hút có cảm giác phấn khích, ảo giác gây cười. Chỉ cần dùng miệng ngậm vào đầu quả bóng hít khí trong đó rồi lại thổi ngược ra cho quả bóng to lên. Cứ như vậy lặp lại khoảng 4 đến 5 lần sẽ khiến bất cứ ai dù đang vui hay buồn đều sẽ cười thả phanh. Khí cười N2O là nhóm chất gây nghiện, thuộc nhóm gây ảo giác có xu hướng tăng liều, người dùng có thể bị phụ thuộc, nghiện, tương tự heroin. Đây là lý do nhiều người lúc đầu chỉ sử dụng bóng cười cho vui, cho rằng vô hại vì hết cười lại bình thường.
Tác hại của “Bóng cười”
Khi hít khí bóng cười cũng sẽ ảnh hưởng đến nhận thức, làm giảm tầm nhìn và thính giác dẫn đến kích thích, hưng cảm thời gian ngắn, sau đó an thần, nặng có thể mất ý thức, loạn nhịp tim, tụt huyết áp… Việc hít khí cười trong thời gian ngắn với liều lượng lớn có thể khiến người sử dụng bị co giật, run rẩy…Nếu những người mắc bệnh về tim mạch hay hen suyễn và một số bệnh liên quan tới đường hô hấp mà hít phải N2O lâu sẽ rất nguy hiểm vì nó có thể dẫn tới ngừng thở.
Khi người sử dụng khí cười ngừng thở, thở nông hoặc thở quá chậm không kịp đáp ứng nhu cầu oxy của cơ thể thì sẽ mắc phải chứng thiếu oxy - thường do người dùng bóng cười quá buồn ngủ. Đây là một tác dụng phụ hiếm gặp của N2O nhưng đó là sự thật. Tình trạng giảm oxy quá lâu mà không được phát hiện thì sẽ xảy ra tổn thương não và tử vong.
Tuy nhiên, xu hướng sẽ tăng liều dần và sẽ gây nguy cơ ngộ độc. Trong trường hợp cười do hít bóng cười, việc cười quá mức, liên tục cũng đã có thể gây ngạt do thiếu oxy. Nếu trên cơ địa có bệnh đường hô hấp thì rất nguy hiểm, có thể bị ngạt, suy hô hấp. Khí cười cũng nguy hiểm khi dùng đồng thời với chất gây nghiện khác như thuốc lắc. Sự kết hợp này có thể gây tử vong. Khí cười giống như ma túy và cocain dạng nhẹ, tạo sự phấn khích, gây ảo giác và đáng sợ hơn, nó cũng gây nghiện như mọi loại ma túy khác…
Cách xử trí như thế nào?
Khi thấy người sốc do “bóng cười” có biểu hiện khó thở, co giật, hôn mê, thì nhanh chóng đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất. Nếu kích thích, vật vã, hung hãn: không để bệnh nhân ngã, va đập, lấy hết các vật dụng sắc nhọn, hung khí ra khỏi người bệnh nhân, để bệnh nhân xa các vật sắc nhọn, xa các khu vực có thể dễ ngã.
Trong lúc chờ xe cấp cứu, nên đặt người bệnh nằm nghiêng, thông thoáng đường thở, tránh dịch nôn tràn ngược vào phổi. Việc sử dụng N2O kéo dài hoặc lạm dụng với mục đích giải trí không được kiểm soát có thể gây ra các vấn đề nghiêm trọng về thần kinh, tim mạch, ức chế não, thậm chí gây tử vong.
Ảnh minh hoạ
Dính vào ma túy nói chung hay bóng cười nói riêng, những bạn trẻ không chỉ tự làm hại bản thân, hại gia đình mình mà còn gây ra nhiều tai họa với xã hội. Những thảm kịch về tác hại của ma túy luôn là bài học, đôi khi phải trả giá bằng mạng sống. Mong rằng bạn trẻ hãy luôn tỉnh táo, chỉ có tránh xa ma túy, các bạn mới không sớm khép lại cánh cửa cuộc đời mình.
Nguồn tin: suckhoedoisong.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn