1. Stress là gì ?
Theo định nghĩa của tổ chức Y tế thế giới (WHO), Stress là sự phản ứng thông qua thể chất, tinh thần, hoặc tình cảm của cơ thể con người với các tác nhân gây ra căng thẳng từ bên ngoài.
Theo thống kê của Bộ Y tế, tại Việt Nam có khoảng 15% dân số mắc các rối loạn tâm thần phổ biến liên quan tới stress. Thậm chí, trong thực tế, con số này còn lớn hơn và ngày càng gia tăng. Tại Viện Sức khỏe Tâm thần Quốc gia (Bệnh viện Bạch Mai), nếu như cách đây 15-20 năm, trung bình tiếp nhận từ 1 đến 2 bệnh nhân/ngày, thì nay mỗi ngày viện tiếp nhận khoảng 300 bệnh nhân đến khám về các vấn đề rối loạn tâm lý, tâm thần, rối loạn lo âu, hoảng sợ, trầm cảm… liên quan đến stress.
Ảnh minh họa
2. Vậy đâu là nguyên nhân của stress ?
Thông thường các nguyên nhân gây ra stress được phân thành 4 nhóm như sau
- Môi trường sống xung quanh: Thời tiết tiêu cực, tiếng ồn, tiếng còi xe cứu thương, tình trạng ùn tắc giao thông, bụi, và sự ô nhiễm, sự phát triển của công nghệ, « giãn cách xã hội » trong đại dịch COVID-19.
- Nguyên nhân bên trong cơ thể: lao động quá sức, rối loạn giấc ngủ, ăn uống không điều độ, sự thay đổi cơ thể: thời kì dậy thì, mang thai, tiền mãn kinh, hậu quả sau tai nạn giao thông, tai nạn lao động, các trình trạng ốm đau, bệnh tật cấp và mạn tính nguy hiểm đến tính mạng đặc biệt là mắc COVID-19.
- Những suy nghĩ tiêu cực của bản thân: chúng ta thường có những suy nghĩ về các sự việc đã, đang hoặc sẽ xảy ra trong gia đình và xã hội theo một hướng tiêu cực, nhất là trong đại dịch COVID 19 mang lại cho chúng ta nhiều sự căng thẳng về tinh thần kéo theo các đáp ứng không phù hợp dẫn đến tình trạng lo âu và stress.
- Những áp lực từ xã hội và gia đình: công việc chưa hoàn thành nhưng sắp đến hạn phải hoàn thành (deadline), các vấn đề tài chính: như phá sản, đến kì hạn thanh toán các khoản vay ngân hàng, trễ lương; công việc: không như mong muốn, mất việc; áp lực từ gia đình về học tập, công việc, hôn nhân; các yếu tố bất ngờ, biến cố gia đình như mất mát người thân, cha mẹ li hôn, bạo lực gia đình, bạo lực học đường, thay đổi môi trường sống, học tập và làm việc,…
Ảnh minh họa: áp lực trong công việc, cuộc sống là nguyên nhân hàng đầu gây ra stress
3. Vậy ai là người có yếu tố nguy cơ dễ gặp các vấn đề dẫn đến stress?
Một vài đặc điểm tính cách của cá nhân dẫn đến dễ gặp stress hơn những người khác :
- Người quá cầu toàn trong mọi việc
- Người có tham vọng lớn
- «Workaholic» những người tham công tiếc việc
- Hay có những suy nghĩ tiêu cực
- Có môi trường sống không lành mạnh, thiếu sự chia sẻ từ bạn bè và người thân
- Người có niềm tin rằng giá trị bản thân của họ phụ thuộc vào những những thành tựu họ đạt được
4. Biểu hiện của stress là gì ?
Các dấu hiệu stress thường gặp bao gồm:
- Sức khỏe thể chất: hay mệt mỏi, mất ngủ, đau đầu, đau nhức cơ (đặc biệt là các cơ vùng cổ, vai và lưng), rối loạn nhịp tim, đau tức ngực và cảm giác đau dạ dày, ăn uống không ngon miệng, và nôn,…
- Sức khỏe tinh thần: giảm trí nhớ, giảm sự tập trung và tự tin trong học tập hay công việc, suy giảm nhận thức và mất khả năng hài hước, mất năng lượng dẫn đến giảm hoạt động.
- Cảm xúc: lo âu, căng thẳng, trầm cảm ,cảm thấy cô đơn, thất vọng, sợ hãi, khó chịu, thiếu kiên nhẫn và cáu kỉnh
- Hành vi: bồn chồn, bất an, tránh né mọi người, ăn uống nhiều hoặc chán ăn, tìm đến chất gây nghiện, các hoạt động không lành mạnh, không kiểm soát được sự nóng giận dẫn đến các hành vi có xu hướng bạo lực, gây nguy hiểm cho bản thân và người xung quanh.
5. Cách giải quyết stress như thế nào ?
Trong quá trình điều trị stress, các bác sĩ sẽ đưa ra các lời khuyên thay đổi cách nhìn nhận và phản ứng lại với stress, thay đổi môi trường sống, có thể sẽ kèm theo một số loại thuốc an thần, giải lo âu. Sau đây là một vài phương pháp giúp kiểm soát và giảm stress hiệu quả như:
- Nâng cao thể chất: bằng cách luyện tập thể dục thể thao đều đặn, các hoạt động thể chất giúp giảm stress nhanh chóng đã được chứng minh: Yoga, thái cực quyền, khí công, đi bộ, chạy bộ, bơi lội hoặc tham gia các môn thể thao khác tùy sở thích của mỗi người
- Ăn uống khoa học: đủ các nhóm chất, không bỏ bữa, không ăn đồ ăn nhanh, đồ cay nóng hoặc chất kích thích như rượu bia,...
- Thực hành kiểm soát cảm xúc: giữ tinh thần lạc quan, vui vẻ, tránh suy nghĩ tiêu cực nghỉ ngơi thư giãn, ngủ đủ giấc, nghe các loại nhạc nhẹ, đọc các tựa sách mang thiên hướng tích cực, xem phim hoặc video hài, nấu ăn, dọn vệ sinh phòng ở, các hoạt động ngoài trời như trồng cây, cấm trại,…
- Thiết lập nhiều mối quan hệ: tích cực, lành mạnh, chia sẽ những suy nghĩ với người thân, bạn bè
- Sử dụng các liệu pháp y học dân tộc: châm cứu, massage, xoa bóp, vật lý trị liệu,..
6. Stress tác động lên sức khỏe như thế nào ?
Stress nếu không được điều trị có thể dẫn tới biến chứng nguy hại đến sức khỏe thể chất và tâm thần như: bệnh rối loạn tâm thần kinh như đau đầu, mất ngủ, căng cơ, tăng nguy cơ mắc trầm cảm hay các rối loạn tâm thần khác, suy giảm chức năng tình dục, các bệnh lý tim mạch như rối loạn nhịp tim, tăng huyết áp, đau ngực; tăng đường huyết; bệnh đường tiêu hóa, suy giảm hệ thống miễn dịch dễ mắc các bệnh truyền nhiễm.
Nói chung, stress là một trạng thái căng thẳng về tinh thần hầu như ai cũng phải trải qua ít nhất một lần trong đời khi đang cố gắng phản ứng lại với các áp lực từ bên ngoài hoặc tập thích nghi với môi trường mới… Stress có thể có lợi vì giúp cho con người tập trung, nhanh nhẹn và làm việc hiệu quả hơn, sẵn sàng đối mặt với các thử thách nếu xuất hiện ở một mức độ và tần suất phù hợp. Tuy nhiên, khi stress quá độ và thường xuyên xuất hiện nếu không được can thiệp kịp thời có thể dẫn tới một số tác động xấu đến sức khỏe thể chất và tinh thần như đã đề cập. Do đó, khi cảm thấy căng thẳng thần kinh hay làm việc quá sức cần nghỉ ngơi, thì nên áp dụng những phương pháp kiểm soát và giảm stress. Ngoài ra, nếu vấn đề không thể tự bản thân chúng ta giải quyết thì có thể gặp các bác sĩ, các chuyên gia tâm lý để có thể được tư vấn, có biện pháp giải quyết những vấn đề đang phải đối mặt một cách hiệu quả.